Well-being là gì? Tìm hiểu 6 trụ cột quan trọng nhất của well-being
Thực chất well-being là gì? Liệu những nghĩa như phúc lợi, an toàn hay thịnh vượng từ Google Dịch đã đủ truyền tải ý nghĩa của well-being?
Well-being là một chủ đề thường được nhấn mạnh trong cộng đồng chăm sóc sức khoẻ, cũng như những ai theo đuổi lối sống lành mạnh. Nhưng thực chất well-being là gì? Liệu những nghĩa như phúc lợi, an toàn hay thịnh vượng từ Google Dịch đã đủ truyền tải ý nghĩa của well-being?
Trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu về định nghĩa well-being và 6 trụ cột quan trọng nhất của well-being – những yếu tố giúp chúng ta duy trì một sức khỏe cá nhân bền vững.
1. Well-being là gì?
Nếu dùng Google Dịch, bạn sẽ thấy từ well-being dịch ra tiếng Việt có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng có một định nghĩa về well-being mà mình rất thích: hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không đơn thuần là happiness, mà là tổng thể trải nghiệm về sức khỏe, sự an lành, thư thái và thịnh vượng. Nói một cách đơn giản, well-being với mình, là khi bạn cảm thấy an-ổn về mọi mặt trong đời sống.
Well-being is not just the absence of disease or illness. It’s a complex combination of a person’s physical, mental, emotional and social health factors.
2. 6 trụ cột của well-being dựa trên nghiên cứu khoa học
Có nhiều cách chia dạng well-being, nhưng ở bài viết này, mình chia sẻ đến bạn 6 trụ cột chính tạo nên định nghĩa well-being đầy đủ nhất, dựa trên nghiên cứu khoa học của các nhà tâm lý học.
2.1 – Mental well-being (sức khoẻ tinh thần)
Sức khỏe tinh thần đã trở thành một vấn đề của rất nhiều người trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Trong well-being, sức khỏe tinh thần là khả năng loại bỏ căng thẳng, tiêu cực hoặc bất kỳ điều gì khác khiến tâm trí chúng ta mệt mỏi. Duy trì một sức khoẻ tinh thần tốt đồng nghĩa với việc chúng ta cảm thấy hạnh phúc, an lành và biết ơn. Đó có thể là những trải nghiệm những cảm xúc như tình yêu, niềm vui hay lòng trắc ẩn và cảm giác hài lòng với cuộc sống.
Bạn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của mình bằng cách kết nối với những người xung quanh, tham gia các hoạt động thể chất, đóng góp cho cộng đồng và ăn uống lành mạnh. Sức khỏe tinh thần của bạn cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ nếu bạn nghỉ nghỉ bất cứ khi nào cảm thấy quá tải hoặc viết ra những điều đang khiến bạn căng thẳng và tránh những điều tương tự. Trái tim bạn đang vui hay đang buồn? Bạn đang hứng khởi hay chán chường? Khi cảm xúc đến, dù tiêu cực hay tích cực, hãy nhận biết và chấp nhận nó, đừng ghét bỏ hay kiểm soát chúng. Hãy cứ để mọi thứ diễn ra như nó vốn là, bạn chỉ cần lặng lẽ quan sát, rồi cảm xúc ấy sẽ trôi qua nhanh chóng.
2.2 – Physical well-being (sức khỏe thể chất)
Physical well-being (sức khỏe thể chất) không phải là một thuật ngữ mới đối với những ai quan tâm đến sức khoẻ. Sức khỏe thể chất nhìn chung là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất, cơ thể nhanh nhẹn, dẻo dai, khả năng có thể chống lại các yếu tố gây bệnh, kèm theo đó là khả năng chịu đựng được các yếu tố, điều kiện khắc nghiệt của môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có nhiều yếu tố để tạo nên một cơ thể khoẻ mạnh như tập thể dục, chế độ dinh dưỡng, tình trạng công việc, môi trường sống,… mình sẽ chia sẻ chi tiết ở các bài viết sau. Trong bài viết này, mình muốn bạn lưu ý rằng, hãy thường xuyên quan sát cơ thể của bạn. Nếu không biết cách thiền quán, bạn có thể quan sát bằng cách nhắm mắt lại, ngồi yên lặng và chú ý tới từng phần trên cơ thể bạn, từng phần, từng phần một. Mỗi ngày chỉ cần 10 phút lắng nghe cơ thể, bạn sẽ cảm nhận được cơ thể có thật sự ổn hay không. Từ đó thực hành ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và hít thở sâu mỗi ngày để cơ thể hồi phục.
2.3 – Social well-being (kết nối xã hội)
Social well-being (kết nối xã hội) là khả năng giao tiếp, phát triển mối quan hệ có ý nghĩa với người khác và duy trì mạng lưới hỗ trợ bạn. Tương tác xã hội với những người có cùng hệ giá trị và tần số không chỉ thúc đẩy tâm trạng của bạn mà còn tạo ra cảm giác thân thuộc và ý thức đóng góp cho xã hội.
Để phát triển kết nối xã hội, chúng ta cần xây dựng các kỹ năng như lòng biết ơn, sự tử tế và giao tiếp. Các kỹ năng xã hội giúp chúng ta dễ dàng tương tác tích cực với người khác, giúp chúng ta bớt cảm thấy cô đơn, tức giận hoặc mất kết nối. Khi những kết nối xã hội có ý nghĩa được tạo ra, chúng ta cũng có xu hướng cảm thấy tốt hơn, nhiều cảm xúc tích cực hơn và có thêm sức mạnh để đối phó với những thử thách.
2.4 – Occupational well-being (mục đích sống)
Đây là khả năng theo đuổi sở thích, giá trị và mục đích của bạn để đạt được ý nghĩa, hạnh phúc và sự thịnh vượng. Cũng có thể nói, tìm thấy mục đích sống là tìm thấy “ikigai” của bản thân. Cảm giác có mục đích sống là động lực để bạn sống tốt và không còn hoài nghi về bản thân, từ đó tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng.
2.5 – Intellectual well-being (phát triển trí tuệ)
Intellectual well-being (sức mạnh trí tuệ) ghi nhận sự sáng tạo của một người và các hoạt động kích thích trí óc. Một người có khả năng tự học để mở rộng kiến thức, kỹ năng đồng thời khám phá tiềm năng của mình là một người đang phát triển trí tuệ.
Cũng như chăm sóc sức khỏe thể chất, để phát triển trí tuệ, bạn cần học cách giải quyết vấn đề, sáng tạo và không ngừng học tập. Bên cạnh công việc, hãy dành nhiều thời gian hơn để theo đuổi sở thích cá nhân, đồng thời bám sát các mục đích sống hiện tại. Khi phát triển trí tuệ, bạn luôn xem khó khăn là cơ hội, dám đón nhận mọi thách thức với sự lạc quan và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành động của bản thân.
2.6 – Spiritual well-being (giá trị tâm linh)
Spiritual well-being (giá trị tâm linh) hay có thể hiểu là cảm giác được kết nối với một sức mạnh cao hơn như thiên nhiên, tôn giáo hoặc tìm thấy ý nghĩa hoặc mục đích cao hơn lợi ích cá nhân. Khi trau dồi giá trị tâm linh, chúng ta cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn hơn bản thân, từ đó tìm ra mục đích sống hạnh phúc không chỉ cho riêng mình. Đừng quên rằng, dù mỗi người trong chúng ta chỉ chiếm một phần nhỏ trong xã hội, nhưng tất cả chúng ta đều có thể để tạo ra một xã hội hạnh phúc.
Để xây dựng được sự cân bằng từ sâu bên trong, bạn phải đảm bảo xây dựng được 6 trụ cột chính của wellbeing ở mức ổn. Bạn có thể nghĩ về 6 trụ cột này như một chiếc bánh xe, bất cứ khía cạnh nào không ổn, bánh xe không thể chạy được. Tương tự, nếu mọi thứ khác trong cuộc sống của bạn đều tuyệt vời, nhưng sức khỏe bạn đang gặp nhiều vấn đề, bạn có hạnh phúc không? Mỗi một trụ cột well-being đều quan trọng đối với hạnh phúc tổng thể của bạn, nhớ nhé! Chúc bạn luôn an-ổn từ bên trong.
be freedom,
Tâm Thương.